Liên kết web

 
Công báo Bạc Liêu
Hướng dẫn thủ tục hành chính
Góp ý website
Liên hệ
Thăm dò
Thống kê truy cập

null  “Hiện trạng và giải pháp phát triển bền vững nguồn năng lượng tái tạo ở đồng bằng sông Cửu Long”

Hoạt động Liên hiệp hội
Thứ ba, 14/06/2022, 15:36
Màu chữ Cỡ chữ
 “Hiện trạng và giải pháp phát triển bền vững nguồn năng lượng tái tạo ở đồng bằng sông Cửu Long”

Ngày 10 tháng 6 năm 2022, tại hội trường Khách sạn Sài Gòn Bạc Liêu (Số 02-04-06, Hoàng Văn Thụ, P.3, TP. Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu). Được sự thống nhất cho phép của Ủy ban nhân dân tỉnh Bạc Liêu, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Bạc Liêu (LHH Bạc Liêu) phối hợp với Công ty Cổ phần Sáng tạo Xanh Việt Nam tổ chức Hội thảo: “Hiện trạng và giải pháp phát triển bền vững nguồn năng lượng tái tạo ở đồng bằng sông Cửu Long”.

Đến tham dự Hội thảo gồm có: PGS. TS Lê Anh Tuấn, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Khí hậu, Trường Đại học Cần Thơ; PGS.TS Dương Hoa Xô nguyên Giám đốc Trung tâm Công nghệ Sinh học, Phó Chủ tịch LHH thành phố Hồ Chí Minh, đại diện lãnh đạo LHH các tỉnh/thành phố (Tiền Giang, Kiên Giang, Long An, An Giang, Đồng Tháp, Bến Tre, Trà Vinh, Vĩnh Long, TP. Cần Thơ, Hậu Giang, Sóc Trăng, Cà Mau); đại diện một số Sở, ngành liên quan trong tỉnh và  một số Công ty kinh doanh/ người dân đầu tư năng lượng tái tạo thuộc khu vực ĐBSCL; có Thông tấn xã Việt Nam tại Bạc Liêu; Báo Bạc Liêu, Cổng Thông tin điện tử, Đài phát thanh và Truyền hình Bạc Liêu đến dự và đưa tin về Hội thảo.

 

Quang cảnh Hội thảo. Ảnh:  HT

Chủ tọa Hội thảo: Thạc sĩ Lâm Thành Đắc, Chủ tịch LHH Bạc Liêu; Tiến sĩ Nguyễn Xuân Khoa, Phó Chủ tịch LHH Bạc Liêu.

Nội dung Hội thảo: Giới thiệu về hiện trạng ứng dụng công nghệ năng lượng sạch, năng lượng tái tạo của ĐBSCL (điện gió, điện năng lượng mặt trời và điện khí); Đánh giá, trao đổi rào cản, thách thức, điểm nghẽn về phát triển các nguồn năng lượng tái tạo thích ứng với biến đổi khí hậu khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).

Tại Hội thảo, các đại biểu trình bày bức tranh tổng thể nêu lên thực trạng và định hướng phát triển năng lượng tái tạo ở đồng bằng sông Cửu Long và Việt Nam. Cũng như để thực hiện Nghị quyết 120/NQ-CP của Chính phủ về phát triển bền vững đồng bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL) thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH) thì trước hết phải nhận thức rõ mức nguy hại do BĐKH gây ra cho ĐBSCL kể cả sản xuất và đời sống của cư dân theo các kịch bản khác nhau do Bộ Tài nguyên và Môi trường đưa ra; qua đó có chính sách và giải pháp đồng bộ thích ứng với BĐKH để phát triển một cách bền vững. Trong các giải pháp phát triển năng lượng tái tạo (điện gió, điện năng lượng mặt trời và điện khí hóa lỏng) là một giải pháp quan trọng; đây cũng là Một trong Năm trụ cột phát triển kinh tế của tỉnh Bạc Liêu.

Để góp phần hạn chế ảnh hưởng bất lợi do BĐKH gây ra Chính phủ cũng như UBND một số tỉnh ĐBSCL rất quan tâm đã đang có nhiều giải pháp để phát triển nguồn năng lượng tái tạo. Các chuyên gia đã nhận định ĐBSCL là nơi rất thuận lợi cho phát triển cụm ngành công nghiệp năng lượng tái tạo. Tuy nhiên, bên cạnh những tiềm năng, lợi thế, thuận lợi như trên việc phát triển các nguồn năng lượng điện tái tạo ở các tỉnh ĐBSCL nói chung và Bạc Liêu nói riêng cũng đã và đang gặp không ít khó khăn, thử thách như: Các công trình lưới điện do ngành điện làm chủ đầu tư phần lớn chậm tiến độ theo quy hoạch; quy trình thủ tục trong công tác đền bù giải phóng mặt bằng, việc chuyển đổi mục đích sử dụng rừng sang đất năng lượng và giao khu vực biển khá phức tạp, kéo dài thời gian… ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện các dự án đầu tư năng lượng tái tạo đang triển khai, nhất là đối với những dự án đang được đề xuất bổ sung vào quy hoạch phải thực hiện phương án đấu nối khá xa vị trí dự án.

Phát biểu kết luận, Thạc sĩ Lâm Thành Đắc đánh giá: Khu vực Đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam là vùng đất có nhiều tiềm năng về NLTT đặc biệt về điện mặt trời, điện gió, điện sinh khối do đặc điểm khí hậu, địa hình, địa chất mang lại.

Thạc sĩ Lâm Thành Đắc, Chủ tịch LHH Bạc Liêu tổng kết Hội thảo. Ảnh:  BT

Bên cạnh, ĐBSCL có tiềm năng điện sinh khối nhờ phụ phẩm nông nghiệp dồi dào như rơm rạ, cám, trấu, bã mía, phân gia súc... Sinh khối có thể được chuyển đổi thành năng lượng điện thông qua nhiềuphương pháp khác nhau như đốt trực tiếp, nhiệt phân, khí hóa và phân hủy kỵ khí.  ĐBSCL có Dự án Nhà máy sinh khối Hậu Giang được thực hiện tại phường Thuận An, thị xã Long Mỹ; Cần Thơ có nhà máy điện sinh khối đốt trấu tại Khu Công nghiệp Trà Nóc 2, do Công ty Cổ phần nhiệt điện Đinh Hải đầu tư cũng đã hoàn thành và đưa vào hoạt động với công suất 20 tấn hơi/giờ. Ngoài ra ĐBSCL còn có nguồn năng lượng tái tạo đáng kể khác là năng lượng sóng biển, năng lượng thủy triều, đều rất dồi dào mà địa phương chưa có điều kiện đầu tư khai thác. Đối với tỉnh Bạc Liêu, định hướng phát triển hiện nay đang phấn đấu trở thành trung tâm năng lượng tái tạo của cả vùng ĐBSCL và của cả nước. Bạc Liêu cơ bản đã hoàn thành đưa vào hoạt động 08 dự án điện gió, với tổng công suất là 469,2 MW (trong đó điện gió: 478,46 triệu kWh, điện mặt trời mái nhà: 214,8 triệu kWh) đã giúp giảm phát thải khoảng 586.359,31 tấn CO2,tăng nguồn thu cho ngân sách tỉnh năm 2021 trên 100 tỷ đồng, mang lại những hiệu quả kinh tế - xã hội - quốc phòng - an ninh rất rõ nét, góp phần thực hiện các cam kết quốc tế của Việt Nam về giảm thiểu khí CO2 ứng phó biến đổi khí hậu. Bên cạnh những kết quả đạt được như đã nêu, thì việc phát triển năng lượng tái tạo vẫn còn nhiều mặt hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu, tiềm năng lợi thế; hệ thống lưới truyền tải điện còn thiếu và yếu; công tác triển khai thực hiện các dự án lưới điện truyền tải theo quy hoạch còn chậm do thiếu nguồn lực; việc bổ sung quy hoạch các dự án điện giai đoạn trước gặp nhiều khó khăn do vướng thủ tục và khả năng truyền tải của lưới điện hạn chế; sử dụng diện tích khu vực biển cho các dự án điện gió chưa có quy định cụ thể; các thiết bị dự án điện mặt trời và điện gió, hầu hết thiết bị đều phải nhập từ nước ngoài về nên chi phí đầu tư cao; Điện mặt trời về lâu dài sẽ là nguồn phát sinh chất thải ảnh hưởng đến môi trường, hiện nay chưa có giải pháp xử lý hiệu quả; cơ chế chính sách về phát triển điện gió, điện mặt trời thường thay đổi, đã làm ảnh đến việc phát triển năng lượng tái tạo trong thời gian qua. Tham luận trình bày tại Hội thảo đã tạo nên bức tranh tổng thể từ những thực trạng, khó khăn, giải pháp phát triển bền vững NLTT ĐBSCL, trong đó có Bạc Liêu là những kinh nghiệm hết sức phong phú để Hội thảo có được cái nhìn tổng thể, toàn diện. Từ đó có những kiến nghị đề xuất cũng như đưa ra các giải pháp để phát triển NLTT bền vững.

Qua Hội thảo, Liên hiệp Hội Bạc Liêu sẽ tổng hợp thành Báo cáo chung được gửi cho trình Ủy ban nhân dân tỉnh Bạc Liêu, Liên hiệp Hội Việt Nam; Công ty Cổ phần Sáng tạo Xanh; thông qua Sở Công Thương đề kiến nghị Bộ Công Thương;  gửi Liên hiệp Hội các tỉnh ĐBSCL để tham mưu cho các cấp chính quyền của Trung ương và địa phương.

                                                                       Hoàng Trang

         

Số lượt xem: 674

Tin đã đưa
Dịch vụ công Quốc gia Hệ thống văn bản của tỉnh
 
CSDL hộ kinh doanh Thư điện tử công vụ Một cửa điện tử
 CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ LIÊN HIỆP CÁC HỘI KHOA HỌC VÀ KỸ THUẬT TỈNH BẠC LIÊU
Chịu trách nhiệm chính: Ông Lâm Thành Đắc, Chủ tịch Liên hiệp các Hội KH&KT Bạc Liêu
Địa chỉ: Số 154, đường Hòa Bình, Phường 3, thành phố Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu
Điện thoại:  02913. 826101 - Fax: 02913.826101 - Email: lhhkhktbl@gmail.com