null
NGÀY 2/9/1945 ĐƯỢC GỌI LÀ NGÀY QUỐC KHÁNH TỪ KHI NÀO?
Nhân vật & Sự kiện
Thứ năm, 09/01/2020, 09:47
Màu chữ
Cỡ chữ
NGÀY 2/9/1945 ĐƯỢC GỌI LÀ NGÀY QUỐC KHÁNH TỪ KHI NÀO?
Ảnh minh họa. Nguồn: Báo Khánh Hòa
Cách đây 75 năm, trong mùa thu lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc bản Tuyên ngôn độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Hầu như ai cũng biết ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam) là ngày 2/9/1945. Nhưng thực tế ngay lúc đó ngày 2/9/1945 không được gọi là Ngày Quốc khánh mà được gọi bằng cái tên khác là “Ngày Việt Nam độc lập”. Tại Sắc lệnh 22C NV/CC ngày 18/2/1946 do Chủ tịch Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa Hồ Chí Minh ký, theo đó có ấn định ngày 2/9 là “Ngày Việt Nam độc lập”. Tiếp theo, tại Sắc lệnh 141 bis ngày 26/7/1946 do Quyền Chủ tịch Chính phủ Huỳnh Thúc Kháng ấn ký lấy ngày 19/8, là Ngày Quốc khánh Việt Nam.
Vậy, ngày 2/9/1945 đã được mang tên gọi là Ngày Quốc khánh từ khi nào?
Trong bài viết “Lời kêu gọi của Hồ Chủ tịch nhân dịp kỷ niệm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9” trên báo Nhân dân năm 1954, Bác viết. “… Nhân dịp kỷ niệm Cách mạng Tháng Tám và ngày Quốc khánh năm thứ 9, tôi trân trọng thay mặt Chính phủ gửi lời thân ái mừng toàn thể đồng bào, quân đội, cán bộ và kiều bào… ”Cũng trên báo Nhân dân năm đó công bố những khẩu hiệu để “kỷ niệm Cách mạng Tháng Tám và Ngày Quốc khánh 2/9” đã đăng khẩu hiệu số 20 với nội dung: “Nhiệt liệt chào mừng ngày kỷ niệm lần thứ 9 Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9!”. Như vậy, có thể nói, đây là lần đầu tiên, ngày 2/9 xuất hiện trên kênh thông tin chính thức của nước ta với tên gọi là Ngày Quốc khánh. Kỷ niệm Ngày Quốc khánh 2/9/1954 cũng vào một thời điểm đặc biệt khi kết thúc cuộc kháng chiến chống Pháp trường kỳ 9 năm, và sau đó là ngày tiếp quản thủ đô Hà Nội 10/10/1954. Trong Hiến pháp năm 1992, tại Điều 145 có quy định: “Ngày Tuyên ngôn độc lập 2 /9/1945 là Ngày Quốc khánh”. Tại Điều 13 Hiến pháp năm 2013 đã quy định rõ: “Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là Ngày Tuyên ngôn độc lập 2/9/1945”. Như vậy ngày độc lập cũng chính là Ngày Quốc khánh. Đó không những là sự kiện mang tầm vóc lịch sử mà luôn là ngày trọng đại của cả dân tộc và đất nước Việt Nam, là ngày khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Quảng trường Ba Đình lịch sử ngày 2/9/1945. Ảnh: T.L
Khi tại thủ đô Hà Nội long trọng tổ chức ngày khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa thì ở Bạc Liêu đang oằn mình chống giặc Pháp chiếm đóng trở lại. Từ ngày 23/9/1945, cả Nam Bộ bước vào cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp. Ở tỉnh Bạc Liêu, ngày Quốc khánh lần đầu tiên được tổ chức trang trọng vào ngày 2/9/1947 tại ấp Mỹ Điền, làng Long Điền, quận Giá Rai (nay là huyện Đông Hải). Cũng từ đó, hàng năm đúng vào ngày 2/9, các địa phương, đơn vị đều tùy vào tình hình thực tế chiến sự cũng vẫn tổ chức lễ kỷ niệm Quốc khánh. Ông Tư Thủ (tức Nguyễn Khánh Hồng), nguyên cán bộ kháng chiến chống Pháp nhớ lại: “Lúc bấy giờ tỉnh Bạc Liêu chỉ đạo tổ chức mít-tinh Quốc khánh. Mọi việc gần như sẵn sàng thì hơn 6 giờ sáng ngày 2/9/1947, quân Pháp dội pháo từ chợ Láng Tròn đến làng Long Điền. Rất may là không gây thương vong, nhưng buổi mít-tinh phải dời lại buổi chiều. Mặc dù vậy, người dân ở các xã lân cận, thậm chí các huyện, thị xã cũng tranh thủ đi bộ, chèo xuồng… tập trung về điểm làm lễ mít-tinh. Ngoài việc được thưởng thức chương trình văn nghệ với những ca khúc cách mạng hào hùng do đoàn văn công của tỉnh phục vụ, tham gia các hoạt động thể thao, bà con còn tham gia hội chợ triển lãm các mặt hàng thủ công… Nhưng quan trọng nhất vẫn là việc được nghe lãnh đạo nói chuyện về tình hình chiến sự, lòng yêu nước và tự hào dân tộc của người dân”.
Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9/1945 tại Sài Gòn. Ảnh: T.L
Với tinh thần cách mạng Tháng Tám và Quốc Khánh 2/9 bất diệt; Để không ngừng giáo dục truyền thống cách mạng cho cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân đặc biệt đối với thế hệ trẻ, tại cuộc họp ngày 11/01/2005, Tỉnh ủy Bạc Liêu đã quyết định chọn ngày 23/8, ngày Cách mạng Tháng Tám thành công ở Bạc Liêu làm ngày truyền thống cách mạng tỉnh Bạc Liêu. Hàng năm cứ vào dịp kỷ niệm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9, cán bộ và nhân dân tỉnh Bạc Liêu, các tổ chức cơ quan, đoàn thể đều treo cờ Tổ quốc, tổ chức họp mặt, mít tinh, văn nghệ, du lịch, vui chơi giải trí, chào mừng ngày lễ lớn, ngày độc lập của dân tộc.