null
Tư tưởng của Bác Hồ về cách chăm sóc sức khỏe, phòng, chống dịch bệnh
Học tập TT HCM
Thứ ba, 21/09/2021, 15:20
Màu chữ
Cỡ chữ
Tư tưởng của Bác Hồ về cách chăm sóc sức khỏe, phòng, chống dịch bệnh
Tư tưởng của Bác là hệ thống những quan điểm toàn diện và sâu sắc về những vấn đề cơ bản của cách mạng Việt Nam trong đó có chăm sóc sức khỏe, phòng chống dịch bệnh... Trong bối cảnh dịch COVID-19 có nhiều diễn biến phức tạp tại Việt Nam và trên thế giới thì việc vận dụng tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về phòng, chống dịch bệnh và chăm sóc sức khoẻ nhân dân là hết sức cần thiết cho đất nước ta nhất là trong thời điểm hiện nay.
Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm bệnh xá Vân Đình (huyện Ứng Hòa, tỉnh Hà Đông - nay thuộc Hà Tây). Ảnh: TL
Tư tưởng của Bác Hồ chăm sóc sức khỏe Chăm sóc sức khỏe cho nhân dân là trách nhiệm của Đảng, Chính phủ và của cả xã hội, Bác nói “Chính sách của Đảng và Chính phủ phải hết sức chăm nom đến đời sống của nhân dân. Nếu dân đói là Đảng và Chính phủ có lỗi, nếu dân rét là Đảng và Chính phủ có lỗi, nếu dân dốt là Đảng và Chính phủ có lỗi, nếu dân ốm là Đảng và Chính phủ có lỗi”(1).
Trong bài viết “Sức khỏe và thể dục”, Người nói: “Mỗi một người dân yếu ớt, tức là cả nước yếu ớt, mỗi một người dân mạnh khỏe tức là cả nước mạnh khỏe”. Thật vậy, sức khỏe của con người là vốn quý nhất; trong đó có sức khỏe cá nhân và cộng đồng. Sức khỏe của toàn dân là yếu tố quyết định tới sự thịnh, suy hoặc sự hưng vong của đất nước.
Tư tưởng Bác Hồ về việc xây dựng nền y học Việt Nam Người chủ trương phải xây dựng nền y học theo nguyên tắc: khoa học, dân tộc và đại chúng, đồng thời, “chú trọng nghiên cứu và phối hợp thuốc “Đông” và thuốc “Tây”. Ngay từ năm 1946, khi đất nước đang trong thế “ngàn cân treo sợi tóc”, Hồ Chí Minh đã sớm đưa ra quan niệm y học nước nhà, Đông y và Tây y phải kết hợp, Người viết: “khí huyết lưu thông, tinh thần đầy đủ, như vậy là sức khỏe”(2). Thời gian từ năm 1947 đến năm 1967, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết hơn 20 bức thư gửi ngành Y tế và viết rất nhiều bài báo về ngành Y tế, hay trong những lần đi thăm các bệnh viện, trạm xá, bên cạnh việc động viên, khen ngợi, định hướng chiến lược cho sự nghiệp phát triển của ngành Y tế nước nhà. Đó là sự kết hợp hài hòa Đông y và Tây Y.
Tư tưởng Hồ Chí Minh về phòng chống dịch bệnh Hồ Chí Minh chỉ ra cách thức tốt nhất và hiệu quả nhất của việc chăm sóc sức khỏe là “phòng, chống dịch bệnh”. Người rất quan tâm y học dự phòng. Người nói: "Phòng bệnh cũng cần thiết như trị bệnh" (3). Trong bài phát động "Phong trào diệt ruồi, muỗi", Hồ Chí Minh cho rằng "Phải phát động quần chúng, dựa vào lực lượng của quần chúng. Phải lãnh đạo chặt chẽ: đôn đốc và kiểm tra thường xuyên. Phải có quân chủ lực." "Ðánh thông tư tưởng của quần chúng bằng mọi cách tuyên truyền giáo dục rộng khắp" (4). Người cho rằng muốn phòng chống dịch bệnh hiệu quả, trước hết phải làm công tác tư tưởng, đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động. Trong thời kháng chiến, Người tận tình chỉ ra nguyên nhân của một số bệnh dịch thường gặp: “Đồng bào mình còn nhiều người sốt rét, các cháu bé thường đau mắt hột, bụng to. Vì sao? Vì không biết giữ vệ sinh. Đồng bào muốn có sức khỏe để sản xuất không? Có muốn con cháu mình không đau mắt hột không? Không bụng to thế này không? Muốn thế phải giữ gìn vệ sinh, ăn uống sạch sẽ, nhà cửa sạch sẽ, vườn cũng sạch sẽ” (5)
Người đã đưa công tác vệ sinh phòng bệnh vào phong trào thi đua yêu nước.Vì thế Người đã khởi xướng phong trào “Vệ sinh yêu nước” và được nhân dân cả nước nhiệt tình hưởng ứng tạo thành một phong trào thi đua sôi nổi, rộng khắp.
Theo Bác, giữ gìn vệ sinh, chăm sóc sức khỏe là trách nhiệm của mọi người, không phân biệt người giàu, người nghèo, bất luận là giàu hay nghèo đều phải thực hiện thật tốt: “Nếu người giàu không giúp cho dân nghèo ăn ở đúng vệ sinh, đến khi có bệnh dịch thì người giàu cũng khó sống”.(6) Để bảo vệ sức khỏe chung cho cộng đồng, cũng có những trường hợp phải cưỡng bách người vi phạm phải tuân theo lợi ích sức khỏe chung. Trong tác phẩm “Đời sống mới”, Người viết: “Trong làng nhiều ao, nhiều muỗi, thường có đau ốm, người làng biết vậy, ai cũng bằng lòng lấp ao của mình. Chỉ một hai người không chịu theo, để người làng vì muỗi mà đau ốm liên miên. Vì vệ sinh chung làng có quyền buộc một hai người kia phải lấp ao”.(7)
Quan điểm của Hồ Chí Minh về cán bộ y tế “lương y như từ mẫu” Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, nghề thầy thuốc là một nghề đặc biệt, trực tiếp liên quan đến sức khỏe, tính mệnh của con người. Thầy thuốc phải giàu lòng nhân ái, không những có nhiệm vụ chữa bệnh mà còn nâng cao tinh thần cho người bệnh trong khi họ đang gặp hoàn cảnh khó khăn. Để hoàn thành tốt nhiệm vụ cao cả vừa “cứu chữa bệnh” vừa “nâng đỡ tinh thần những người ốm yếu” đòi hỏi người cán bộ y tế phải có lòng yêu ngành, yêu nghề, coi việc chăm sóc sức khỏe nhân dân là lẽ sống, là niềm vui, là hạnh phúc của chính bản thân mình. Tại Hội nghị Cán bộ y tế ngày 27/2/1955, Bác Hồ đã gửi thư đến Hội nghị, Bác nói: “Người bệnh phó thác tính mệnh của họ nơi các cô, các chú. Chính phủ phó thác cho các cô, các chú việc chữa bệnh tật và giữ sức khỏe cho đồng bào. Đó là một nhiệm vụ rất vẻ vang. Vì vậy, cán bộ cần phải thương yêu, săn sóc người bệnh như anh em ruột thịt của mình, coi họ đau đớn cũng như mình đau đớn”. Người yêu cầu ngành Y tế nói chung, các thầy thuốc nói riêng phải “thật thà, đoàn kết”.
Hôm nay nhìn lại, trên thế giới cũng như đất nước ta, tình hình dịch bệnh, nhất là dịch bệnh Covid-19 ngày càng diễn biến phức tạp. Toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta đang tập trung cao độ vào việc dập dịch, bảo vệ sức khỏe cho cộng đồng với tinh thần chống dịch như chống giặc. Việc vận dụng lời Bác dạy, lấy kinh nghiệm dập dịch năm xưa là hết sức cần thiết.
Thật vậy, theo Bác, việc phòng, chống COVID-19 hiện nay phải xuất phát từ quan điểm toàn diện; cả hệ thống chính trị vào cuộc, cả nền kinh tế xã hội quốc dân vào cuộc; cả nền y học quốc gia không phân biệt Tây y hay Đông y vào cuộc; không phải trách nhiệm của riêng ai, của riêng tổ chức, cá nhân nào mà phải của mỗi người dân, toàn xã hội, bất luận đều phải thực hiện thật tốt. Đó là hành động yêu nước. Thực tế đã có nhiều cán bộ y tế, những người trên tuyến đầu đã không quản ngại khó khăn, nguy hiểm tính mạng ngày đêm chống dịch. Đó là hình ảnh những chuyến hàng, trang thiết bị chống dịch được cấp tốc gửi đến những nơi bị cách ly. Đó là hình ảnh những mạnh thường quân ngày đêm hỗ trợ lương thực, thực phẩm, vật tư y tế, thuốc men, đảm bảo quy định phòng chống dịch bệnh như các ATM gạo, ATM khẩu trang, ATM oxy đến kịp lúc cho dân nghèo; đó còn là những cán bộ khoa học công nghệ ngày đêm chế tạo vắc xin kịp thời tiêm chủng cho cộng đồng. Tất cả không chỉ là “nhiệm vụ”, “thông điệp từ trái tim” mà còn là tinh thần yêu nước, tương thân tương ái, coi bệnh nhân “như anh em ruột thịt của mình, coi họ đau đớn cũng như mình đau đớn” như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy.
Thấm nhuần lời dạy của Bác về chăm sóc sức khỏe, phòng chống dịch bệnh, vận dụng vào điều kiện thực tế; chúng ta tin tưởng rằng việc phòng chống dịch bệnh Covid-19 của nước ta sẽ sớm thắng lợi như mong muốn.
Tài liêu tham khảo: (1)Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd tập 9, tr.518; (2), (8) Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 4, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia-Sự Thật, Hà Nội, 2011, tr.241; (3) Thư gửi Hội nghị cán bộ y tế toàn quốc năm 1953. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, tập 8, tr.154; (4) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, tập 11, tr.488; (5) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, tập 5, tr.114; (6), (7) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, tập 5, tr.118.)