null
THAM QUAN THỰC TẾ BẢO TÀNG THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
Tư vấn phản biện & GĐXH
Thứ hai, 18/11/2019, 15:13
Màu chữ
Cỡ chữ
THAM QUAN THỰC TẾ BẢO TÀNG THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
Ngày 13 tháng 11 năm 2019, thực hiện kế hoạch phản biện dự án: Trưng bày nội thất Bảo tàng tổng hợp trong khối nhà B,C. Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật đã tổ chức cho các thành viên Hội đồng phản biện tham quan thực tế tại Bảo tàng Thành phố Hồ Chí Minh tại số 65, Lý Tự Trọng, thuộc quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh. Mục đích tham quan nhằm tạo điều kiện cho các thành viên Hội đồng thu thập thêm thông tin, trao đổi nắm bắt kinh nghiệm và tìm hiểu các hình thức trưng bày hiệu quả v..v... để thu hút khách tham quan.
Tiếp đoàn, Bà Hồ Thị Ngọc Bình, Phó Giám đốc, đại diện Ban Lãnh đạo Bảo tàng thành phố Hồ Chí Minh giới thiệu tổng quát về quá trình hình thành, phát triển của Bảo tàng thành phố.
Hội đồng phản biện chụp ảnh lưu niệm với lãnh đạo Bảo tàng Thành phố Hồ Chí Minh - ảnh. Trung Bá
Bảo tàng thành phố Hồ Chí Minh trước đây là dinh Gia Long, tọa lạc trên khuôn viên rộng 2 ha, giới hạn bởi bốn con đường Lý Tự Trọng, Pasteur, Lê Thánh Tôn và Nam Kỳ Khởi Nghĩa, thuộc Quận 1, thành phố Hồ Chí Minh. Tòa nhà do kiến trúc sư người Pháp - Foulhoux vẽ kiểu và thiết kế, được xây dựng năm 1890 theo kiểu cổ điển - phục hưng. Ban đầu tòa nhà là Bảo tàng Thương mại trưng bày những sản vật trong nước. Sau khi miền Nam được giải phóng, ngày 12-8-1978 Ủy ban nhân dân Thành phố quyết định sử dụng toà nhà này làm Bảo tàng Cách mạng Thành phố Hồ Chí Minh, đến ngày 13-12-1999 được đổi tên thành Bảo tàng Thành phố Hồ Chí Minh như hiện nay. Bảo tàng Thành phố trưng bày và lưu trữ các cổ vật, hiện vật, bằng chứng lịch sử, văn hóa…của thành phố. Nội dung trưng bày gồm 9 phòng cố định: Phòng “Thiên nhiên- Khảo cổ”; Phòng “Địa lý- Hành chính Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh”; Phòng “Thương cảng, Thương mại - Dịch vụ”; Phòng "Công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp"; Phòng "Văn hóa Sài Gòn-Thành phố Hồ Chí Minh"; Phòng “Đấu tranh cách mạng 1930 - 1954”: Phòng “Đấu tranh cách mạng 1954-1975”; Phòng "Kỷ vật kháng chiến"; Phòng "Tiền Việt Nam". Bảo tàng thành phố còn phối hợp tham gia hoạt động trưng bày theo 5 hình thức: Trưng bày cố định; trưng bày chuyên đề; trưng bày tại khu dịch vụ bổ trợ; trưng bày Triển lãm thành phố; trưng bày ngoài trời. Bảo tàng Hồ Chí Minh cũng là nơi tổ chức nhiều hoạt động giáo dục truyền thống lịch sử bổ ích cho học sinh, thay thế những giờ học lịch sử trên lớp cùng nhiều hoạt động văn hóa và xã hội có ý nghĩa.
Trong thời gian tới, để thu hút khách tham quan Bảo tàng sẽ ứng dụng các công nghệ mới từ offline, online. Thay đổi chuyển đổi từ truyền thống sang việc ứng dụng các công nghệ số hóa, website3D, di động,VR/AR trên internet, các công nghệ mới nhất phù hợp thời đại IoT, kết nối mọi lúc, mọi nơi phục vụ mọi người đúng như bản chất của cách mạng công nghệ 4.0.
PGs.Ts Đặng Văn Thắng (áo xanh)- Nguyên Giám đốc Bảo tàng cùng đoàn tham quan Phòng “Thiên nhiên – Khảo cổ - ảnh: HT
Thạc sĩ Lâm Thành Đắc, Chủ tịch Hội đồng đánh giá: Chuyến tham quan giúp cho Hội đồng phản biện có thêm nhiều cơ sở khoa học thực tiễn, thông tin cần thiết để thực hiện nhiệm vụ phản biện, góp phần hoàn thiện khi tổ chức triển khai dự án trưng bày nội thất Bảo tàng tổng hợp trong khối nhà B,C đạt hiệu quả như mong muốn.